10 Câu hỏi thường gặp về độ phân giải tivi
Mặc dù thực tế công nghệ, TV 720p không sớm thì muộn cũng sẽ bị thay thế bằng các TV 1080p, nhưng quá trình đó sẽ diễn ra trong một thời gian dài.
Người tiêu dùng đang bị “bủa vây” bởi những chiêu quảng cáo về TV HD Ready và Full HD. Băn khoăn lớn nhất là liệu có nên tiết kiệm mua TV 720p hay “liều mình” bỏ ra thêm vài triệu đồng để lên đời 1080p xem phim cho nét.
Thực tế, TV 720p cũng không sớm thì muộn sẽ bị thay thế bằng các TV 1080p tương tự như với màn CRT trước đây, nhưng quá trình chuyển đổi sẽ còn diễn ra trong một thời gian dài. Bởi lẽ, kể cả các hãng lớn như Sony, Samsung, LG hay Panasonic trong các phiên bản của mình vẫn tiếp tục duy trì sản xuất các đời bình dân 720p.
Dưới đây là 10 câu hỏi thường gặp khi nói về TV độ phân giải 1080p và 720p.
1. 1080p thực sự đem lại điều gì?Độ phân giải 1080p, hay 1.920 x 1.080 (hơn 2 triệu điểm ảnh), hiện nay là độ phân giải cao nhất của HDTV, có khả năng hiển thị chi tiết từng điểm ảnh một của truyền hình phân giải cao và phim Blu-ray. Độ phân giải này cao hơn gấp đôi so với các độ phân giải cao trước đó như 1.366 x 768 pixel (WXGA), 1.280 x 720 hay 1024 x 768 pixel (XGA). Ngày nay những TV có độ phân giải này thường được gọi chung la 720p do cũng chẳng mấy người có thể ghi nhớ các tỷ lệ điểm ảnh cũng như con số 768p nghe chẳng thuận miệng bằng.
2. Lên đời TV 1080p có tốn kém không?
Trước đây vài năm, cùng một kích cỡ màn hình, để có được phiên bản 1080p bạn phải trả thêm rất nhiều tiền. Mặc dù khoảng cách giá đang ngày một thu hẹp lại và TV 1080p đang dần rẻ đi, nhưng để sở hữu một phiên bản 1080p cùng nhà sản xuất, cùng kích cỡ, số tiền bỏ ra cũng vẫn còn gần gấp đôi. Ví dụ, đối với kích cỡ thông dụng nhất là LCD 32 inch, sự tương quan nằm ở mức khoảng từ 360 USD so với 730 USD. Hay như ở phân khúc 42 inch, TV Sharp LC-42A53M có giá khoảng 1.700 USD, thì phiên bản 1080p, model LC-42A83M có giá tới 2.500 USD.
Ở phân khúc màn hình lớn hơn, TV 720p ít dần do hầu hết các nhà sản xuất đều đưa 1080p vào các mẫu từ 37 inch trở lên. Một số nhà sản xuất khác như Philips, thậm chí, trong các phiên bản mới nhất đã bắt đầu bỏ định dạng 720p.
Còn đối với màn Plasma, dòng 42 inch bình dân nhất của Panasonic là TH-42PV8 có giá khoảng 1.100 USD, trong khi phiên bản 1080p, TH-42PV800 của hãng cũng đội lên gấp đôi, tới 2.400 USD. Chưa kể nếu lại muốn kích cỡ to hơn, 50 inch chẳng hạn, số tiền sẽ nâng lên thành khoảng 4.000 USD.
3. Tại sao 1080p tốt hơn 1080i?
1080i, vốn cũng ở vị trí đứng đầu chỉ sau 1080p, thực ra là cũng có độ phân giải 1.920 x 1.080 điểm ảnh, nhưng được hiển thị ở dạng đan xen (chữ cuối “i” biểu thị từ interlace – quét dòng đan xen). Công nghệ quét đan xen vốn ở các màn CRT trước đây với khung hình được quét xen kẽ theo dòng chẵn lẻ trong vòng 1/25 giây. Còn đối với các công nghệ gần đây hơn như 480p, 720p hay 1080p, khung hình được quét liên tục từ trên xuống dưới. Về lý thuyết, công nghệ quét này sẽ cho hình ảnh mịn màng và trong trẻo hơn, đặc biệt là các chương trình thiên tốc độ như thể thao hay hành động.
4. Có những chương trình nào ở định dạng 1080p?
Ngày nay mặc dù các kênh truyền hình tuyên bố phát HD nhưng vẫn chủ yếu dưới dạng 1080i hay 720p, rất ít các chương trình được phát dưới dạng chuẩn 1080p chủ yếu do giới hạn băng thông còn hẹp. Các nguồn 1080p chủ yếu nằm ở các game HD, Xbox 360, hay PlayStation 3. Các thiết bị này tương thích cả 720p và 1080p (các nội dung 720p có thể được nâng phân giải lên 1080p trong phần cài đặt).
Để có độ phân giải 1080p đúng nghĩa, bên cạnh việc sử dụng máy tính làm nguồn phát, thì cần thiết phải có đầu phát Blu-ray (trước đây có cả đầu HD-DVD nữa nhưng định dạng này đã bị Toshiba khai tử năm ngoái). Tất cả các đầu Blu-ray đều hỗ trợ xuất hình 1080p. Và quan trọng hơn, phần lớn các phim trên đĩa cũng đều được mã hóa với độ phân giải nội tại là 1080p.
5. Công nghệ TV nào hỗ trợ độ phân giải 1080p?
Có thể nói bên cạnh màn CRT đang hồi thoái trào, hầu hết mọi thứ thiết bị đều đi theo xu hướng 1080p, từ các máy chiếu (DLP, LCoS hay LCD) tới các màn hình phẳng (LCD và Plasma). Mặc dù ở thiết bị nào cũng có phân khúc bình dân với độ phân giải 720p, nhưng điều đáng nói là tất cả đều chuyển sang công nghệ quét hình liên tục (“p” biểu thị cho progressive – quét hình liên tục). Vì vậy kể cả khi đầu vào là hình ảnh dạng “i”, (1080i hay 480i), chúng đều được chuyển đổi thành dạng “p” để hiển thị.
Cần lưu ý là tất cả các màn hình đều có có số pixel cố định để hiển thị hình ảnh. Để mọi điểm ảnh đều hiển thị bất kể từ nguồn phát nào, luôn xảy ra một quá trình chuyển đổi (convert). Quá trình chuyển đổi có thể là nâng phân giải (upconverting), giảm phân giải (downconverting) hay giải xen kẽ (deinterlace). Vì vậy bên cạnh các thông số kích cỡ và độ phân giải, các yếu tố này cũng góp phần quyết định chất lượng hiển thị của một TV mà đôi khi lại bị khách hàng bỏ qua.
6. Điều gì xảy ra khi phát tín hiệu 1080i trên TV 720p?
Các tính hiệu 1080i sẽ được giải xen kẽ (deinterlace), rồi sau đó được giảm phân giải (downconvert) xuống 720p. Hầu hết các HDTV ngày nay đều xử lý tốt quy trình này.
7. Phát tín hiệu 1080p trên TV 720p thì sao?
Giả thuyết rằng TV có thể thu nhận tín hiệu 1080p, các tín hiệu 1080p này sẽ được giảm phân giải xuống 720p. Nhưng không phải tất cả các TV đều có thể thu nhận tín hiệu 1080p, kể cả các TV có ghi 1080p đời trước. Trong các trường hợp này, màn hình sẽ trở nên trống trơn. Tuy nhiên, hầu hết HDTV gần đây đều đã có thể thu nhận và xử lý tốt tín hiệu đầu vào 1080p.
8. Tín hiệu 1080i có tương thích với TV 1080p?
Tín hiệu sẽ được chuyển đổi từ “i” sang “p” với độ phân giải vẫn giữ nguyên. Một số HDTV có thể xử lý quy trình chuyển đổi “i” sang “p” tốt hơn các HDTV khác, nhưng thông thường các hiệu ứng gây ra bởi quá trình chuyển đổi này rất khó có thể nhận biết đối với người dùng thông thường.
9. Đặt cạnh nhau, chất lượng hiển thị của TV 720p so với TV 1080p khác nhau thế nào?
Phải nói rằng vài năm trước đây, rất nhiều TV 1080p không thực sự cho hình ảnh sắc nét như các nhà sản xuất vẫn mô tả. Vì thế khá nhiều TV 1080p đời cũ thậm chí không hiển thị hết hơn 2 triệu điểm ảnh của nó trên thực tế. Nhưng vài năm gần đây, công nghệ màn hình đã được cải tiến đáng kể. Hầu hết các TV 1080p đời mới đã giải quyết hết mọi nhược điểm này, dù rằng mỗi đời hay mỗi hãng lại có công nghệ khác nhau.
Đơn cử có thể lấy ví dụ các đầu Blu-ray phát hình ở định dạng tiêu chuẩn của nó là 1080p24, nhưng không phải tất cả các TV đều hiển thị chính xác được, chủ yếu do sự khác biệt về tỷ lệ khung hình hiển thị. Con số “24″ biểu thị tốc độ khung hình/giây của phim, vì thế nếu TV hiển thị đúng được tốc độ này mà không qua quá trình chuyển đổi nào, thì người xem có thể cảm nhất tốt nhất và đúng nhất ý đồ của từng hình ảnh mà đạo diễn phim đã định sẵn.
Nhưng dù cho là phim dạng 1080p24 hay video dạng 1080p50, chất lượng hình ảnh cũng đều hiển thị tốt trên các TV 1080p. Thực tế thử nghiệm, kết nối một màn hình kích cỡ 50 inch hay nhỏ hơn với công nghệ 720p hay 1080p với một nguồn phát hi-end Blu-ray 1080p, thì ngay cả khi cố tình chú ý đến các chi tiết nhỏ như sợi tóc, sợi vải hay nền cỏ, cũng rất khó có thể nhận ra sự khác biệt về độ nét của hai màn hình này ở khoảng cách 2 mét.
Độ nét mà theo quảng cáo là “siêu hạng” của màn 1080p chỉ bắt đầu thể hiện được sự khác biệt khi bạn xem trên các màn hình lớn cỡ 55 inch trở lên. Cần nhớ là lợi thế của 1080p trên thực tế không phải là bạn có một hình ảnh siêu nét hơn, mà là màn hình của bạn có điểm ảnh nhỏ hơn, mật độ điểm ảnh dày đặc hơn. Do đó, các hình ảnh này khi nhìn ở khoảng cách rất gần vẫn rất mịn và không bị hiệu ứng răng cưa.
10. Vậy có nên lựa chọn TV 720p cho tiết kiệm?
Việc nâng cấp lên 1080p từ 720p chỉ thực sự có ý nghĩa khi phòng xem rất rộng, TV rất lớn và một khoản ngân sách cũng không nhỏ đề đầu tư các phụ kiện HD kéo theo. Còn nếu bạn đã sử hữu một bộ 720p thì cũng không nên lấy làm buồn vì không theo kịp thời đại, bởi lẽ hệ thống 720p có thể phục vụ tốt mọi nhu cầu, kể cả trình chiếu Full HD.